1. Tính cách là gì?
Tính cách là một thuộc tính tâm lí phức tạp của cá nhân bao
gồm một hệ thống thái độ của nó đối với hiện thực, thể hiện trong hệ thống hành
vi cử chỉ, cách nói năng tương ứng.
Trong cuộc sống hàng ngày, ta thường dùng từ “tính tình”,
“tính nết”, “tư cách”… để chỉ tính cách. Những nét tính cách tốt thường được
gọi là “đặc tính”, “lòng”, “tinh thần”… Những nét tính cách xấu thường được gọi
là “thói”, “tật”…
Tính cách mang tính ổn định và bền vững, tính thống nhất và
đồng thời cũng thể hiện tính độc đáo, riêng biệt điển hình cho mỗi cá nhân. Vì
thế tính cách của cá nhân là sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng, cái
điển hình và cái cá biệt. Tính cách của cá nhân chịu sự chế ước của xã hội.
2. Cấu trúc của tính cách
Tính cách có cấu trúc rất phức tạp bao gồm: hệ thống thái độ
và hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng tương ứng.
– Hệ thống thái độ của cá nhân bao gồm 4 mặt sau đây:
+ Thái độ đối với tập thể và xã hội thể hiện qua nhiều tính
cách như lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; thái độ chính trị; tinh thần đổi
mới; tinh thần hợp tác cộng đồng…
+ Thái độ đối với lao động thể hiện ở những nét tính cách cụ
thể như lòng yêu lao động, cần cù, sáng tạo, lao động có kỷ luật, tiết kiệm đem
lại năng suất cao…
+ Thái độ đối với mọi người thể hiện ở những nét tính cách
như lòng yêu thương con người theo tinh thần nhân đạo, quý trọng con người, có
tinh thần đoàn kết tương trợ, tính cởi mở, tính chân thành, thẳng thắn, công
bằng…
+ Thái độ đối với bản thân thể hiện ở những nét tính cách
như: tính khiêm tốn, lòng tự trọng, tinh phần tự phê bình…
– Hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng của cá nhân: Đây
là sự thể hiện cụ thể ra bên ngoài của hệ thống thái độ nói trên. Hệ thống hành
vi, cử chỉ cách nói năng rất đa dạng, chịu sự chi phối của hệ thống thái độ nói
trên. Người có tính cách tốt, nhất quán thì hệ thống thái độ sẽ tương ứng với
hệ thống hành vi, cử chỉ, cách nói năng, trong đó thái độ là mặt nội dung, mặt
chủ đạo, còn hành vi cử chỉ cách nói năng là hình thức biểu hiện của tính cách
không tách rời nhau, thống nhất hữu cơ với nhau.
Cả hai hệ thống trên đều có quan hệ chặt chẽ với các thuộc
tính khác của nhân cách như: xu hướng, tình cảm, ý chí, khí chất, kĩ xảo, thói
quen và vốn kinh nghiệm của cá nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét