1.
Khái niệm
Tính cách là một thuộc tính tâm lí của cá nhân bao gồm một
hệ thống thái độ của cá nhân với hiện thực xung quanh thể hiện trong hệ thống
hành vi cử chỉ phong cách giao tiếp...
Khái niệm tính cách không bao gồm tất cả những gì tiêu biểu
đối với con người, như các đặc điểm tri giác, trí nhớ, chú ý... hoặc các tính
chất khác như năng lực hứng thú mặc dù những tính chất này có tham gia ở một
mức độ nhất định vào sự hình thành tính cách.
Có thể cho rằng tính cách biểu hiện qua những đặc điểm của
cá tính để lại dấu vết rõ ràng trong hành vi của con người, trong quan hệ giữa
con người với người khác và với thế giới bên ngoài. Người ta xem tính cách là
một chế độ, một cơ cấu bên trong thể hiện sự thống nhất của các tính chất đặc
biệt của cá nhân như một thực thể xã hội. Biết được tính cách một người nghĩa
là biết được những tính chất cơ bản biểu hiện với một logic nhất định và tuần
tự bên trong qua các hành vi của họ, qua thái độ của họ đối với chính họ, đối
với mọi giá trị khách quan.
2. Đặc điểm của tính cách
-
Tính ổn định và tính bền vững
Tính cách là một thuộc tính của cá nhân, là những tính chất,
những phản ứng có tính chất ổn định và rất bền vững. Trong hoạt động, các hành
vi của con người luôn luôn phản ánh những nét tính cách tiêu biểu, những hoàn
cảnh giống nhau thường có những phản ứng giống nhau một cách ổn định. Điều này
khẳng định rằng con người có thể dự đoán về tính tình của người khác thông qua
quan sát phong thái, hành vi của họ một cách có hệ thống. Những nét tính cách
đã được hình thành từ trong quá trình sống trở nên rất ổn định, khó thay đổi và
để lại trong cuộc sống những dấu ấn mạnh mẽ.
- Tính độc đáo, riêng biệt
Các nét tính cách được hình thành theo những mối liên hệ bên
trong nhất định và chịu ảnh hưởng của những động cơ cá nhân, chịu ảnh hưởng bởi
những điều kiện xã hội, tự nhiên nhất định.
- Tính xã hội
Tính cách được hình thành và phát triển trong quá trình sống
và hoạt động, các yếu tố sinh học có ảnh hưởng rất ít đến quá trình hình thành
tính cách. Tính cách được hình thành, phụ thuộc phần lớn vào các quan hệ xã
hội.
- Tính điển hình
Tính cách của con người vừa phản ánh tính chất riêng biệt
của cá nhân nhưng cũng phản ánh nguồn gốc các mối quan hệ nguồn gốc văn hoá của
cá nhân ấy, hay nói cách khác, tính cách cá nhân phản ánh tính chất của cộng
đồng mà cá nhân ấy là một thành viên.
3.
Cơ cấu của tính cách
Tính cách được hình thành từ vô số các nét tính cách khác
nhau nhưng không phải là một sự cộng lại đơn giản mà là một sự kết hợp rất phức
tạp. Các nét tính cách hợp thành tính cách có sự liên hệ với nhau và tạo nên
một cơ cấu hoàn chỉnh của tính cách.
Tính cách bao gồm một hệ thống các thái độ và hệ thống hành
vi, cử chỉ, cách nói năng tương ứng.
- Hệ thống thái độ của cá nhân
- Thái độ đối với bản thân mình, thể hiện ở cách đánh giá
chính bản thân, trách nhiệm đối với bản thân được biểu hiện ở những nét tính
cách như khiêm tốn, lòng tự trọng, tinh thần phê bình...
- Thái độ đối với người khác, thể hiện ở mối quan hệ giữa cá
nhân với mọi người xung quanh, biểu hiện ở những nét tính cách như lòng nhân
đạo, quý trọng con người, tinh thần đồng đội, tình đồng nghiệp, tính cởi mở,
chân tình, công bằng...
- Thái độ đối với xã hội, thể hiện ở cung cách ứng xử trong
xã hội; cách thức đối phó với các nguyên tắc của xã hội và biểu hiện bằng các
nét tính cách như lòng yêu nước, tinh thần dân chủ, tính kỉ luật...
- Thái độ đối với công việc như lòng yêu nghề, yêu lao động,
tinh thần trách nhiệm...
- Hệ thống hành vi, cử chỉ, cung
cách ứng xử của cá nhân
Hệ thống thái độ nói trên luôn luôn được thể hiện ra ngoài
một cách cụ thể. Hệ thống hành vi, cử chỉ... rất đa dạng và chịu sự chi phối
của hệ thống thái độ nói trên. Có thể xem hệ thống thái độ là nội dung của tính
cách. Người có tính cách tốt, nhất quán thì hệ thống thái độ sẽ tương ứng với
hệ thống hành vi, cử chỉ, cung cách ứng xử, trong đó nội dung là thành phần chủ
đạo. Nội dung và hình thức của tính cách không tách rời nhau mà luôn thống nhất
hữu cơ với nhau.
Không thể có một cá nhân nào chỉ có toàn những nét tính cách
tốt và cũng không thể có người nào chỉ toàn những nét tính cách xấu. Tính cách
của con người là một hệ thống gồm nhiều nét tính cách, cả những nét tính cách
tốt và những nét tính cách xấu. Tuy nhiên tỉ lệ giữa chúng sẽ cho thấy tính
cách đặc trưng của cá nhân đó như thế nào.
4.
Giáo dục tính cách
Có thể nhận thấy có ba quan điểm về sự thay đổi tính cách
sau đây:
- Thuyết định mệnh cho rằng: tính tình, tính cách con người
bị lệ thuộc vào số mệnh của từng cá nhân và vì vậy, không thể thay đổi tính
cách hay không thể giáo dục tính cách được.
- Quan điểm thứ hai cho rằng: đến sau năm tuổi, tính cách
con người được hình thành một cách rõ ràng và sau đó được xã hội hoá.
- Quan điểm thứ ba cho rằng: nhân cách con người thay đổi
không ngừng và vì vậy tính cách đó có thể được hình thành và thay đổi bằng các
tác động giáo dục.
Cơ sở hình thành nên những nét tính cách tốt là những nhu
cầu cấp cao của cá nhân. Vì vậy, điều kiện để giáo dục tính cách là củng cố
trong con người những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần, những nhu cầu xã hội
lành mạnh.
Cái mạnh và cái yếu của tính cách phụ thuộc vào nội dung của
cá tính, vào các đặc điểm của những nhu cầu và hướng tâm lí của cá nhân ấy. Nhờ
có ý chí dựa trên những ý hướng vững chắc nên con người mới có thể ức chế, kìm
hãm sự xung động đang cản trở mục đích có thể điều khiển một cách hợp lí hành
vi, các xung động, tính khí và có thể sử dụng toàn bộ nghị lực để đạt được mục
đích cơ bản.
Ở mỗi cá nhân, muốn thay đổi tính cách trước hết phải ý thức
rõ về tính cách của mình như thế nào, bổ sung những thiếu sót của nó theo hướng
của cá nhân ấy. Rèn luyện ý chí như là xương sống của tính cách: tính mục đích,
tính tích cực, tính kỉ luật, tính cương quyết... phẩm chất ý chí sẽ hình thành
những nét tính cách nếu nó bền vững và luôn xuất hiện trong hành vi ý chí. Việc
giáo dục tính cách được chú trọng ở việc đưa chủ thể tham gia vào các hoạt động
đa dạng có chủ đích để hình thành các nét tính cách cụ thể, chỉ có hoạt động
mới có thể tác động để thay đổi và ươm mầm một tính cách mới.
Giáo dục tính cách cũng được tiến hành thông qua sự giáo dục
thế giới quan và nhân sinh quan phát triển hứng thú, hình thành những nhu cầu
và hướng tâm lí có ý nghĩa đặc biệt cho hành vi đạo đức sau này.
Con đường tự giáo dục tính cách là con đường có nhiều ý
nghĩa nhất để hội nhập với hoạt động xã hội và cuộc sống chung của nhân loại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét